Kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Bác sĩ Yersin (22/9/1863-22/9/2023)
KỶ NIỆM 160 NĂM NGÀY SINH CỦA BÁC SĨ YERSIN (22/9/1863-22/9/2023)
“CÔNG DÂN VIỆT NAM DANH DỰ”
Hôm qua, ngày 21/9/2023, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang đã vinh dự được tiếp đoàn Đại sứ Thụy sỹ tại Việt Nam đến thăm Bệnh viện, nhân chuyến công tác của Đoàn tại tỉnh Khánh Hòa và tham dự Lễ kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Bác sĩ Yersin. Ngài đại sứ vui mừng khi đến thăm Bệnh viện mang tên bs Yersin, bày tỏ sự xúc động khi xem những hình ảnh về chặng đường đã qua của Bệnh viện đã thể hiện đúng tinh thần của bs Yersin: cống hiến vì cộng đồng.
Nhân dịp kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Bác sĩ Yersin (22/9/1863-22/9/2023), chúng ta cùng nhìn lại tiểu sử, cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông để tự hào, để cùng nhau cố gắng học tập và làm việc theo tinh thần của ông.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ:
“Chọn chữ ký của ông Năm Yersin làm logo Bệnh viện vừa đẹp, vừa ý nghĩa,
lan tỏa tinh thần của ông đến với mọi người”
Ngài đại sứ chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động, không phải vì được quý vị đón tiếp nồng hậu,
mà vì những việc quý vị làm rất đúng với tinh thần của bác sĩ Yersin, cống hiến vì cộng đồng.
Chúng tôi sẽ lan tỏa tinh thần của quý vị trên đất nước của chúng tôi.Rất cảm ơn quý vị!”
A. Yersin tên đầy đủ là Alexandre Emile John Yersin, sinh ngày 22/09/1863 tại miền Đông tổng Vaud, hạt Lavaux, tỉnh Morges, nước Thụy Sĩ. Ông là con út trong gia đình có ba người con, có mẹ là người Pháp, cha là người Thụy Sĩ.
Lớn lên, A.Yersin đi học tại Lausanne, đỗ tú tài ở Lausanne. Sau đó, thi vào Trường đại học ở Marburg, nước Đức và một thời gian sau sang Paris.
Năm 1886, Yersin gặp Louis Pasteur nhà nghiên cứu vi trùng học nổi tiếng nhất thế giới vào thời đó. Ngưỡng mộ tài năng của Pasteur, Yersin xin vào làm nhân viên kỹ thuật của phòng thí nghiệm Pasteur tại EScole Normale Supérieure để có cơ hội nghiên cứu. Tại đây, Yersin trở thành phụ tá của Emile Roux, một học trò thân tín của Pasteur.
A.Yersin vừa lo làm luận án tiến sĩ y khoa vừa tham gia cộng tác với GS. Émile Roux (Viện Pasteur Paris), nghiên cứu vi khuẩn bệnh bạch hầu.
Năm 1888, vừa đúng 27 tuổi, A.Yersin đã trình luận án tiến sĩ y khoa “Nghiên cứu về sự phát triển của lao thực nghiệm” và được nhận làm phụ tá cho GS. Émile Roux. Dưới sự hướng dẫn của GS. Émile Roux, A.Yersin đã tìm ra độc tố của vi khuẩn bạch hầu.
Cây tra do bác sĩ Yersin trồng, 120 tuổi, gốc cây có 4 thân (tứ trụ vững chắc)
chụm lại ở trên cao, tứ trụ quy tụ thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng vì một tương lai tốt đẹp
KHÁM PHÁ RA VI KHUẨN GÂY BỆNH DỊCH HẠCH
Từ năm 1866, bệnh dịch hạch phát hiện ở Vân Nam – Trung Hoa, dịch lan đến Quảng Đông, rồi tiềm tàng nhiều năm, đe dọa miền Bắc Việt Nam. Sau khi làm chết hàng vạn người, dịch hạch tràn sang Hong Kong. Năm 1894, chính phủ Pháp yêu cầu Yersin tới Hong Kong nghiên cứu bệnh dịch. Tại đây, trong túp lều nhỏ gần bệnh viện, chỉ với khoảng 7 ngày, Yersin đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch nhờ tập trung vào chọc dò hạch của người bệnh. Ông đặt tên cho trực khuẩn tìm thấy là Pasteurella Pestis nhằm tôn vinh người thầy vĩ đại. Hội nghị Sinh vật học Thế giới lần thứ X năm 1975 đã quyết định tên vi khuẩn là “Yersinia-Pestis” mang tên người đã khám phá ra nó.
Tháng 4/1895, Yersin về Pháp để cùng Roux, Calmette, Borrel nghiên cứu vắc-xin để phòng và huyết thanh để trị bệnh dịch hạch. Việc chế tạo huyết thanh được hoàn thành, Yersin xin trở lại Nha Trang lập một phòng thí nghiệm để chế tạo thật nhiều huyết thanh.
MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI NHA TRANG
Bên cạnh niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Alexandre Yersin còn có sở thích mạo hiểm, thích phiêu lưu và khám phá những miền đất lạ. Tháng 9/1890, ông tình nguyện làm bác sĩ cho một hãng vận tải đường biển. Ông làm việc trên chiếc tàu chạy sang Viễn Đông, theo dọc bờ biển Việt Nam nối liền Sài Gòn, Nha Trang, Hải Phòng. Ngày 29/7/1891, lần đầu đặt chân đến Nha Trang, phong cảnh hữu tình, bờ biển, cửa sông, các đảo ngoài khơi, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hòa đã chinh phục được bác sĩ Alexandre Yersin. Ông đã yêu mến mảnh đất này và quyết định lưu trú tại đây. Ông cho dựng nhà ở Xóm Cồn, mở phòng khám, trở thành bác sĩ người Âu đầu tiên hành nghề trong vùng. Vị bác sĩ lấy tiền khám bệnh của những kẻ máu mặt, giàu có nhưng hoàn toàn miễn phí với người nghèo.
Bác sĩ Alexandre Yersin sống đơn giản ở Nha Trang. Ông được người dân địa phương yêu mến vì đức khiêm tốn và sự chăm sóc mà ông dành cho mọi người. Alexandre Yersin sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã chọn một cái lô cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông Cái để ở. Ông dành nhiều thời gian gần gũi với người xung quanh mình. Ông yêu mến trẻ con, giúp đỡ người già đau yếu, hướng dẫn cho mọi người ăn ở vệ sinh. Ông còn quan tâm đến đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương. Thỉnh thoảng ông chiếu phim tại sân nhà cho nhân dân xem những phim tài liệu về thế giới, khoa học…
Người dân thường gọi ông bằng tên gọi thân mật là ông Năm, xem ông là ân nhân, là vị thần hộ mệnh qua các công việc ông làm cho mọi người như: Bác sĩ chẩn trị, dược sĩ bán thuốc, nhà từ thiện, nhà giáo dục, người chở che…
Tại vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa, ông đam mê nghiên cứu khoa học, cống hiến nhiều công trình vĩ đại.
THÀNH LẬP VIỆN PASTEUR NHA TRANG VÀ KHÁM PHÁ RA ĐÀ LẠT
Với số tiền ít ỏi 5.000 đồng bạc do toàn quyền Đông Dương trợ cấp, Yersin lập một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ biển Nha Trang và xây dựng tại Khánh Hòa một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ, chuột, dùng cho việc thí nghiệm. Năm 1898, Viện Pasteur Nha Trang được khánh thành.
Ngày 21/6/1893, Yersin phát hiện ra Cao Nguyên Lâm Viên, cao 1.500 mét. Năm 1899, Paul Doumer toàn quyền Đông Dương cho thiết lập nơi ấy một trung tâm nghỉ mát cho người Âu châu, sau này là thành phố Đà Lạt.
Yersin – người đầu tiên đã đem khoa thú y vào Việt Nam. Yersin thấy việc phòng chống dịch cho trâu bò là cần thiết, vì trâu bò bị bệnh thì đời sống kinh tế của nông dân bị đe dọa. Ông là người đi đầu trong công việc nghiên cứu và đặt nền móng cho công tác thú y ở Việt Nam. Năm 1904, sau một thời gian thí nghiệm, Yersin đã khẳng định ở Đông Dương có các bệnh: nhiệt thán, dịch tả trâu bò và tụ huyết trùng trâu bò. Ông chú ý đến việc đào tạo một số nhân viên thú y cho toàn Đông Dương.
Từ năm 1899, Viện Pasteur Nha Trang dần dần nghiên cứu sản xuất huyết thanh và thuốc trị bệnh dịch tả trâu bò và các bệnh gia súc.
PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU (HÉVÉA BRASILIENSIS)
Tại nông trại Suối Dầu, lúc đầu Yersin trồng ngũ cốc để nuôi nhân công và súc vật. Khi việc sản xuất vắc-xin và huyết thanh bắt đầu ổn định, ông nghĩ đến việc tìm một vài loại cây trồng để có thêm tiền chi cho các hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang.
Năm 1897, Yersin với sự giúp đỡ của Vernet (kỹ sư nông nghiệp) bắt đầu trồng cây cao su tại Suối Dầu. Năm 1909, diện tích trồng cao su tại Suối Dầu lên đến 100 hecta đã giúp Viện Pasteur Nha Trang cân bằng ngân sách và không phải xin trợ cấp.
NHẬP CHỦNG CÂY QUINQUINA
Năm 1903, bác sĩ Yersin đã lập Trạm quan trắc khí tượng trên núi Hòn Bà (huyện Cam Lâm – tỉnh Khánh Hòa) ở độ cao 1.578 m so với mặt nước biển. Đó là một căn nhà gỗ hai tầng, có bể nước kiên cố được ông sử dụng làm nơi ở và làm việc khi lên Hòn Bà nghiên cứu, đồng thời trồng thử nghiệm cây quinquina để sản xuất thuốc chống sốt rét.
Đến năm 1914, bác sĩ A.Yersin đã tiến hành khảo sát Hòn Bà, đưa một số cây công nghiệp vào trồng thí nghiệm và đã thành công với cây thuốc quinquina, giống cây cao su – một loại cây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong công nghiệp. Hòn Bà là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho rất nhiều loại cây thuốc nên ông đã quyết định xây dựng ngôi nhà gỗ lớn tại đỉnh núi này để nghiên cứu thuốc chữa bệnh.
Từ năm 1923, Yersin cho trồng cây quinquina trên cao nguyên Lang Bian, nhờ vậy Đông Dương đã tự túc được quinine.
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG Y KHOA ĐÔNG DƯƠNG, TIỀN THÂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC KHOA HÀ NỘI
Ngày 8/1/1902, Toàn quyền Đông Dương quyết định bổ nhiệm BS. Yersin làm Hiệu trưởng. Yersin đã xác định rõ mục đích và yêu cầu của nhà trường: Trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành một trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ. Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng trường ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay).
Năm 1904, những hoạt động của Trường Y khoa Đông Dương đi vào nề nếp, Yersin xin thôi chức Hiệu trưởng.
àTrong 57 năm hoạt động khoa học (1886-1943), Yersin đã công bố 55 công trình và 40 tác phẩm về y học, trong đó có 13 đề tài chuyên cứu về dịch hạch và 15 đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và cây cao su.
YERSIN VỀ CÕI TIÊN
Ông đã ra đi vào hồi 1 giờ sáng ngày 1/3/1943, thọ 80 tuổi. Ông để lại Di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn”.
NGƯỜI DÂN BAO THẾ HỆ, KHẮP NHIỀU VÙNG MIỀN TƯỞNG NHỚ ĐẾN ÔNG
Đám tang của ông lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Dân chúng đã bày hương án hai bên đường hơn 20km từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi an táng ông.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thủ Dầu Một và TP. Hồ Chí Minh có những đường phố mang tên nhà bác học Yersin. Tại Đà Lạt, năm 2004 đã thành lập Trường đại học Yersin.
Quần thể mộ Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được xem là trường hợp duy nhất người nước ngoài duy nhất được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mới đây, Nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp quốc gia. Làng Tân Xương ở Suối Dầu thờ cúng ông như một thành hoàng, một vị Bồ Tát.
Ngày 20/9/1992, Hội những người ái mộ Yersin được thành lập do PGS.TSKH. Nguyễn Thị Thế Trâm – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm Chủ tịch với các hoạt động kế tục sự nghiệp nhân đạo của Yersin.
Tại Lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh bác sĩ Alexandre Yersin (22/9/1863 – 22/9/2014), Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã thông báo quyết định của Nhà nước ta về việc truy tặng danh hiệu “Công dân Việt Nam danh dự” cho bác sĩ Alexandre Yersin.